Whitmore là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei gây nên.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Lê Minh Lan Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM).
Vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt là bùn đất.
Đường lây nhiễm
- Lây nhiễm chủ yếu do tiếp xúc với vi khuẩn có trong đất bị ô nhiễm qua vết thương ngoài da.
- Một số ít do hít phải bụi bẩn, giọt nước hoặc ăn uống phải nước chứa vi khuẩn nên có nhiều khả năng lây qua đường tiêu hóa.
- Tuy nhiên không lây từ người sang người.
- Các ca bệnh chỉ diễn ra lẻ tẻ chứ không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch.
Biểu hiện
- Không có hội chứng lâm sàng bệnh lý đặc hiệu.
- Các triệu chứng giống với các bệnh khác như bệnh lao phổi, nhiễm trùng huyết, sốt kéo dài với nhiều ổ áp xe trên cơ thể.
- Chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy.
- Thời gian ủ bệnh thường từ một đến 21 ngày, trung bình là 9 ngày.
- Mức độ nghiêm trọng của bệnh dựa vào tình trạng nhiễm trùng, có thể gây sốt kéo dài, ho, đau ngực, sưng đau cơ khớp, suy hô hấp...
- Ở trẻ em:
+ Khoảng 35% có biểu hiện viêm mủ tuyến nước bọt mang tai.
+ 65% ở các thể khác như sốt cao, viêm phổi, áp xe ở lách và thận.
+ Cũng có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm khuẩn trên da, đặc biệt ở vùng đầu, mặt và cổ.
+ Diễn biến nặng có thể gây sốc nhiễm khuẩn huyết dẫn đến tử vong.
- Ở người lớn:
+ Đa số có biểu hiện viêm phổi kèm nhiễm khuẩn huyết, các ổ áp xe trên da.
+ Một số còn có biểu hiện áp xe nội tạng như áp xe gan, lách, viêm bàng quang, viêm khớp hoặc viêm màng não.
Nhóm nguy cơ
- Lứa tuổi trung niên.
- Người bị bệnh tiểu đường.
- Người nghiện rượu.
- Người có bệnh phổi.
- Người bệnh thận mạn tính.
- Người có nguy cơ tiếp xúc với bùn đất bẩn có chứa vi khuẩn.
Điều trị
- Dùng kháng sinh nhóm ceftazidime hoặc carbapenem, cotrimoxazole tấn công liều cao liên tục trong ít nhất khoảng 2-4 tuần.
- Sau đó dùng kháng sinh duy trì 3-6 tháng nữa.
Tỷ lệ tử vong
- Người nhiễm bệnh có tỷ lệ tử vong 40-60%.
- Trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng một tuần kể từ khi phát bệnh.
- Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe bệnh nhân suy kiệt dần cũng có thể tử vong.
- Quá trình theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân cũng đã bỏ cuộc.
Phòng bệnh
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.
- Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng.
- Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.
- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay...) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.
- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
- Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.