Tiếp tục gia tăng trường hợp do chó dại cắn
Ngày 4.5, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã thông tin về sự việc nhiều người bị chó dại cắn phải tiêm huyết thanh kháng dại tại các cơ sở y tế.
Trước đó, ngày 1 – 2.5, con chó này được phát hiện chạy rông trên trục đường giao thông, có dấu hiệu nghi mắc bệnh dại. Sau đó nó đã tấn công và cắn một số người đi đường thương tích.
Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Bình Phước phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND xã Lộc Hưng xử lý vụ việc, bắt con chó và được lấy mẫu gửi đi xét nghiệm dại và có kết quả dương tính với virus dại.
Chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân đến trung tâm y tế khám để có biện pháp điều trị kịp thời. Sau đó, triển khai lực lượng tiêu độc khử trùng để có biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh phát tán môi trường bên ngoài. Đồng thời phối hợp với UBND xã tổ chức tiêm phòng bổ sung cho tất cả những con chó mèo trên địa bàn có chó dại bảo vệ sự lây nhiễm sang các động vật khác.
Tại Đồng Nai, ngày 3.5, trên địa huyện Trảng Bom vừa ghi nhận ổ dại trên chó tại xã Cây Gáo. Chủ hộ là ông L.T.S (ngụ tổ 4B, ấp Cây Điệp, xã Cây Gáo) nuôi 4 con chó, trong đó 3 con đã được tiêm vắcxin phòng dại, 1 con mới đẻ chưa được tiêm.
Trưa ngày 26.4, con chó chưa được tiêm có biểu hiện hung dữ, 2 mắt đỏ và cắn vào tay ông L.T.S và 2 người hàng xóm. 3 trường hợp này đã tiêm vắcxin phòng dại và huyết thanh kháng dại. Sau đó con chó bị đập chết, ông L.T.S cho ông T.P.T đưa ra cơ sở giết mổ của ông Đ.Đ. (tạm trú ấp Tân Lập 2, xã Cây Gáo) làm thịt. Ông Đ.Đ. là chủ cơ sở giết mổ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết chó dại, hiện chưa đi tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại.
Xung quanh nhà ông L.T.S nhiều hộ nuôi chó, đa số đã được tiêm vắcxin phòng dại. Ngành y tế đề nghị 3 trường hợp đã tiêm phòng dại tiếp tục tuân thủ phác đồ điều trị; đề nghị ông Đ.Đ. và những người đã ăn thịt chó tới cơ sở y tế để được hướng dẫn, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tình hình bệnh dại gia tăng đột biến từ đầu năm 2024; đặc biệt trong 3 tháng đầu năm, có 24 trường hợp tử vong vì bệnh dại, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về bệnh dại như Đắk Lắk, Gia Lai; các tỉnh Bình Thuận, Bình Phước, Bến Tre, Cà Mau cũng ghi nhận trường hợp tử vong do bị chó dại cắn. Các tỉnh Đồng Nai, An Giang cũng xuất hiện các ổ dịch chó dại cắn và nhiều người bị thương. Hà Nội cũng ghi nhận 3 ổ dịch tại huyện Sóc Sơn với 13 người bị chó dại cắn.
Mặc dù mùa hè đang đến, dịch bệnh chó dại vẫn đang là nguy cơ và đe doạ tính mạng nhiều người, nhưng thực tế cho thấy, tình hình chó thả rông, chó không đeo rọ mõm vẫn phổ biến ngoài đường phố, khu dân cư, thậm chí đưa chó vào các khu vực công cộng.
Tích cực phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm
Ngoài dịch bệnh chó dại, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay cả nước ghi nhận 203 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi (chưa có trường hợp tử vong), số mắc tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Hà Nội cũng đã ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024 trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca nào. Tại Hà Tĩnh, tính đến đầu tháng 4.2024, đã ghi nhận 26 trường hợp mắc sởi ở huyện Đức Thọ, trong đó nhiều trường hợp phải điều trị ở bệnh viện tuyến trên....
Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, tỉ lệ tiêm vắcxin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng giảm trong giai đoạn dịch Covid-19. Trong khi đó, sởi là bệnh có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao (>95%) trong cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo dịch sởi tái bùng phát trên toàn cầu. Còn tại Việt Nam, trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch, nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong thời gian qua...
Bên cạnh đó, thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 120 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Trong đó, TP Hà Nội có 60 ca mắc ho gà tại 21 quận, huyện, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh, trong đó hơn 50 ca chưa tiêm phòng vắcxin...
Về bệnh sốt xuất huyết, theo số liệu báo cáo từ các địa phương, tình hình sốt xuất huyết hiện nay giảm so với cùng kỳ 2024 và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Tuy nhiên, hiện đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch, dự báo số mắc có xu hướng gia tăng từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm nên công tác chủ động triển khai các biện pháp phòng chống trước mùa dịch rất quan trọng.
Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các địa phương đề nghị giao trách nhiệm cho UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng. Bố trí đầy đủ kinh phí cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng mở rộng. Các Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur chủ động phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời.
Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch là biện pháp hữu hiệu giúp phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nơi làm việc từ trong nhà đến ngoài vườn, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi… Cùng với đó là tiêm phòng vắcxin đầy đủ…
* NGUỒN: https://baovanhoa.vn/doi-song/nguy-co-tang-cao-dich-benh-truyen-nhiem-93219.html