Thời điểm này đang bắt đầu vào mùa mưa ở các tỉnh phía Nam, đây cũng là mùa dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng bùng phát. Ở các bệnh viện tuyến cuối tại TP Hồ Chí Minh, công tác điều trị đang vô cùng nóng do số lượng bệnh nhân đông.
Đông nghẹt bệnh nhi nhập viện
Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng 1 tuần đã có hàng nghìn bệnh nhi đến khám bệnh liên quan đến các bệnh lí như tay chân miệng và sốt xuất huyết. Trong số đó 20% bệnh nhi phải nằm viện nội trú vì tình trạng bệnh tiến triển nặng cần được theo dõi tích cực.
Bệnh nhi C.C.T (2,5 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) là một trong số hơn 50 bệnh nhi tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh. Theo gia đình chia sẻ, gia đình sống xung quanh nhiều cây cối nên vào mùa mưa thường có nhiều muỗi phát triển. Tuy nhiên, không nghĩ con mình bị nhiễm sốt xuất huyết. Vào ngày đầu bệnh nhi cảm thấy sốt nóng, gia đình đưa đi mua thuốc gần nhà. Tình hình sốt kéo dài liên tục 3 ngày nên gia đình đã nhanh chóng đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để khám và được nhập viện với chẩn đoán sốt xuất huyết độ 2 gần chuyển sang độ 3.
Không chỉ có tình hình sốt xuất huyết phức tạp mà bệnh lí tay chân miệng đang hoành hành. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1, dịch tay chân miệng đang diễn biến phức tạp. Ngoài 1 ca bệnh ngày 5.6 tử vong, hiện Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận trung bình từ 20-30 bệnh nhi nhập viện điều trị vì tay chân miệng.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Hạnh Đan - Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh, điều trị bệnh nhi mắc tay chân miệng đã trở nặng đang là thách thức lớn với bác sĩ. Bởi thường nếu trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh nặng thì biến chứng tử vong rất lớn. Chính vì vậy, việc đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời nếu thấy các dấu hiệu chuyển nặng như sốt trên 3 ngày, trẻ ngủ giật mình liên tục, nôn ói...
Dịch chồng dịch đe dọa TP Hồ Chí Minh
Mới đây, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vừa kí văn bản khẩn về tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng trong bối cảnh ca nhiễm tăng nhanh trong 2 tuần qua, xuất hiện virus gây bệnh nặng.
Theo đó, Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở ngành, UBND quận huyện, TP Thủ Đức triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó, chú ý khu vực nguy cơ cao như điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học, khu dân cư/khu nhà trọ có nhiều trẻ em; Xử lí ổ dịch kịp thời, hạn chế lây lan.
Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng; Chuẩn bị sẵn sàng việc thu dung, điều trị theo đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế; Chủ động ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo và các đơn vị liên quan, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục và cộng đồng; Phát hiện, cách ly sớm ca bệnh, thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) theo dõi, giám sát việc cập nhật danh sách ca bệnh, ổ dịch lên hệ thống quản lí giám sát bệnh truyền nhiễm đầy đủ, kịp thời, phản ánh đúng tình hình dịch bệnh thực tế của địa phương.
Trước đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đều có kết quả PCR dương tính với EV71, kiểu gene B5. Kiểu gene này được tìm thấy đầu tiên ở Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2007, tại TP Hồ Chí Minh năm 2015, 2018.
Số ca mắc tay chân miệng đang thấp hơn cùng kì năm 2022 nhưng sự xuất hiện trở lại của EV71 được cho là đáng lo ngại. Để chủ động ứng phó khi dịch bệnh diễn tiến phức tạp, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lí dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị (2 loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, Gamma Globulin truyền tĩnh mạch).
* NGUỒN: https://laodong.vn/xa-hoi/dich-chong-dich-benh-nhan-tang-benh-vien-cho-thuoc-1202110.ldo