Điều cần biết về biến chủng nCoV Pirola

Được đăng ngày 26 Tháng 08 2023

Biến chủng nCoV Pirola sở hữu hơn 30 đột biến mới, tương tự cách Omircon xuất hiện, khiến giới khoa học lo ngại.

Giới chức y tế các nước đang theo dõi biến chủng phụ mới của Omicron, lây nhiễm ở 4 quốc gia, có tên BA.2.86, hay Pirola. Do sở hữu nhiều đột biến, nó khác biệt rõ rệt so với các chủng virus trước đó. Hôm 23/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết dòng virus mới này thậm chí lây lan hiệu quả hơn các biến chủng trước đó. Hiện chưa rõ liệu Pirola có thể gây bệnh nặng hơn thế hệ virus cũ hay không.

Trước đó, CDC cho biết đang thu thập thêm thông tin về biến chủng tại Mỹ để tìm hiểu về các đặc tính. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng bổ sung Pirola vào danh sách "các biến chủng đang được theo dõi".

Đặc điểm của Pirola

William Schaffner, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, giáo sư tại Trường Y thuộc Đại học Vanderbilt, cho biết Pirola là biến chủng có số lượng đột biến cao ở protein gai - phần virus dùng để lây nhiễm tế bào. Theo phân tích của Bloom Lab, trong Pirola có 34 đột biến phát triển từ BA.2 và 36 đột biến liên quan đến XBB.1.5. Đây đều là biến chủng từng chiếm ưu thế ở Mỹ và nhiều khu vực.

Các triệu chứng sau khi nhiễm Pirola

Hiện tại, các nhà khoa học chưa có nhiều thông tin về triệu chứng của Pirola. Trong một tuyên bố, Bộ Y tế Mỹ cho biết bệnh nhân nhiễm biến chủng này có các triệu chứng nhẹ và không phải nằm viện. Giáo sư Thomas Russo, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Buffalo (New York), cũng nhận định các đặc điểm lâm sàng của biến chủng này còn hạn chế.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nó mang đầy đủ các triệu chứng của những phiên bản Omicron trước đây. Người bệnh có thể bị sốt, ớn lạnh, ho, thở gấp hoặc khó thở, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, đau đầu, mất vị giác, đau họng, ngạt mũi hoặc chảy nước mũi, buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy.

Hình ảnh 3D minh họa nCoV. Ảnh: RACGP

Pirola khác với Eris như thế nào?

Cùng thời điểm Pirola xuất hiện, các nhà khoa học cũng theo dõi thêm biến chủng khác là Eris (EG.5) cũng là hậu duệ của Omicron. Kết quả, Pirola và Eris là "thành viên của cùng một gia đình", Schaffner nói. Ông cho biết cả hai có những đột biến khác nhau ở protein gai.

Tuy nhiên, tính đến hiện tại, Eris lây lan rộng hơn so với Pirola, ít nhất là ở Mỹ.

"Pirola có vẻ khá dễ lây lan, có thể cạnh tranh ưu thế với Eris", Schaffner nói.

Các mối lo ngại xung quanh Pirola

Theo phân tích của Bloom Lab, nhiều đột biến của Pirola giúp virus trốn tránh kháng thể hiệu quả. Điều này có nghĩa người đã tiêm vaccine hoặc từng mắc Covid-19 vẫn có thể nhiễm virus. Tình trạng này giống với khi Delta và Omicron xuất hiện.

Theo giáo sư Russo, về mặt dịch tễ học, việc Pirola xuất hiện không nghiêm trọng như thời kỳ Delta tiến hóa sang Omicron, bởi biến chủng mới vẫn bắt nguồn từ BA.2 (vốn là thế hệ sau của Omicron).

"Mọi người không nên quá lo lắng vì nó. Đây là cơ chế của virus, không phải một dạng biến chủng mới đáng lo ngại. Nó không gây ra triệu chứng nghiêm trọng hơn", Schaffner nói.

Giáo sư Russo hy vọng vaccine tăng cường được triển khai vào mùa thu sẽ bảo vệ người dùng trước tác động của Pirola và Eris. Tuy nhiên hiện tại, giới chuyên gia chưa biết hiệu quả cụ thể của vaccine là bao nhiêu.

* NGUỒN: https://vnexpress.net/dieu-can-biet-ve-bien-chung-ncov-pirola-4645562.html

Chia sẻ bài viết:
Nhận ngay tin tức mới nhất từ chúng tôi