- Trung Quốc, Nhật Bản và Bangladesh đang chứng kiến các đợt dịch bệnh về hô hấp, cúm gia cầm và sốt xuất huyết lan rộng, khiến các bệnh viện quá tải.
Dịch cúm gia cầm bùng phát ở Nhật Bản
Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản cho biết khoảng 40.000 con gia cầm đã bị tiêu hủy, sau khi một đợt bùng phát cúm gia cầm có độc lực cao được xác nhận, tại một trang trại ở thành phố Kashima. Điều này cũng đánh dấu đợt bùng phát cúm gia cầm đầu tiên được báo cáo ở Nhật Bản trong mùa thu đông năm nay.
Các biện pháp phòng ngừa đã được thực hiện bao gồm tiêu hủy tất cả 40.000 con gia cầm tại trang trại bị ảnh hưởng, đồng thời hạn chế vận chuyển gia cầm và các sản phẩm trứng trong bán kính 10km tính từ tâm chấn vùng dịch đến các khu vực bên ngoài.
Các cơ quan chức năng cũng tiến hành xét nghiệm 255.000 con gia cầm tại 12 trang trại chăn nuôi khác để đề phòng bị lây nhiễm.
Dịch cúm gia cầm ở Nhật Bản thường bắt đầu vào tháng Mười hàng năm. Thủ tướng Fumio Kishida yêu cầu các cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng ngừa triệt để, nhằm đối phó với dịch cúm gia cầm.
Trung Quốc vật lộn với đợt bùng phát dịch bệnh về hô hấp
Người phát ngôn của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Mi Feng cho biết các bệnh viện nhi đang quá tải, khi số ca nhiễm vi rút cúm cũng như các loại vi rút rhovirus, mycoplasma pneumoniae, vi rút hợp bào hô hấp (RSV) và adenovirus, tăng đột biến.
Cụ thể, hầu hết nhóm trẻ từ 5-14 tuổi bị nhiễm mycoplasma pneumoniae (một trong những tác nhân gây bệnh viêm phổi thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ), trong khi những trẻ còn lại chủ yếu nhiễm bệnh các loại virus như RSV, adenovirus và virus cúm.
Truyền thông Trung Quốc cho biết hàng dài người xếp hàng tại các phòng khám nhi khoa ngoại trú và nội trú trên khắp đất nước, trong đó nhiều bệnh viện phải liên tục làm thêm giờ để ứng phó với số lượng bệnh nhân tăng mạnh. Điển hình, bệnh viện Nhi Thiên Tân đã hoạt động suốt ngày đêm, tiếp nhận hơn 13.000 bệnh nhi mỗi ngày tại các khoa ngoại trú và cấp cứu, mức cao kỷ lục.
Bệnh viện Đa khoa Hàng không Dân dụng ở Bắc Kinh cũng cho biết tuần trước, phòng khám ngoại trú nhi khoa của họ phải xử lý từ 550 đến 650 lượt khám mỗi ngày, tăng 30 đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự gia tăng các bệnh về hô hấp khiến WHO bày tỏ sự lo lắng, yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin về đợt dịch bùng phát ở các khu vực phía bắc nước này.
Trong phản hồi của mình, Trung Quốc cho biết không có mầm bệnh mới hoặc bất thường nào đằng sau sự gia tăng đột biến trên.
Bangladesh khốn đốn vì dịch sốt xuất huyết
Trong ngày 26/11, Bangladesh đã báo cáo thêm 971 trường hợp sốt xuất huyết và 6 trường hợp tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 308.167 và số người chết lên gần 1.600 trong năm nay.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Bangladesh, cho đến nay đã có 36.992 ca sốt xuất huyết được ghi nhận trong tháng 11. Trước đó, gần 68.000 ca đã được báo cáo trong tháng 10.
Trong số gần 1.600 người chết, có 250 người được ghi nhận trong tháng 11.
Hiện, tổng số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đã hồi phục trong năm nay ở nước này là 302.974, bao gồm 1.297 ca mới xuất viện trong 24 giờ qua.