UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan, khẩn trương triển khai việc tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng vừa giao Sở Y tế tỉnh này chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 1452/BYT-DP về việc tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg.
Trước đó, ngày 17/3, Bộ Y tế ban hành công văn số 1452/BYT-DP về việc tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg. Ngày 20/3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai chỉ đạo của Bộ Y tế tại công văn nêu trên.
Theo Bộ Y tế, bệnh Marburg là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Marburg gây ra. Ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả. Bệnh có thể lây truyền từ động vật như dơi, động vật linh trưởng sang người và lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc virus Marburg.
Bộ Y tế khuyến cáo, thời gian ủ bệnh bệnh từ 2 đến 21 ngày, người bệnh xuất hiện các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết.
Đây là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao (50-88%). Đáng lao ngại, hiện bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh Marburg không để lan truyền vào Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như lây lan trong cộng đồng.
Bộ Y tế cũng yêu cầu, Sở Y tế tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về các biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị, đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn. Chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương, không để bị động; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch.
Thực hiện nghiêm việc thông tin, báo cáo giữa các tuyến, cơ sở y tế, đặc biệt khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ, mắc bệnh.
* NGUỒN: BÁO CÔNG THƯƠNG https://congthuong.vn/thanh-hoa-khan-truong-trien-khai-phong-chong-dich-benh-marburg-247216.html