Nguy cơ lây nhiều bệnh đường tiêu hóa qua nội soi

Được đăng ngày 06 Tháng 06 2023

Nội soi ống mềm giúp bác sĩ phát hiện nhiều bệnh tiêu hóa nhưng có thể tăng nguy cơ lây nhiễm H.P, viêm gan virus B… nếu ống soi không khử khuẩn đúng quy trình.

Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh (Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, ở Việt Nam ung thư dạ dày và ung thư đại tràng là hai trong năm loại ung thư hay gặp nhất. Nội soi là phương pháp tối ưu nhất trong tầm soát phát hiện hai loại ung thư này. Kỹ thuật nội soi ống mềm với công nghệ nội soi phóng đại hình ảnh dải tần ánh sáng hẹp M-NBI (Magnifying NBI) giúp bác sĩ quan sát rõ mô và niêm mạc trong ống tiêu hóa. Dựa trên các hình ảnh có độ phóng đại hàng trăm lần, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh, đánh giá chính xác tình trạng tổn thương, cắt bỏ polyp, sinh thiết mẫu bệnh phẩm, kiểm tra vi khuẩn H.P và tầm soát ung thư sớm đường tiêu hóa. Nội soi gây mê được xem là phương pháp an toàn, không gây khó chịu cho người bệnh.

Tuy nhiên, việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình làm sạch, khử khuẩn và bảo quản ống nội soi không đảm bảo tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh đường tiêu hóa do nhiễm khuẩn từ người này sang người khác. Một số báo cáo ghi nhận có nhiều loại vi sinh vật gây bệnh lây qua trung gian máy nội soi như vi khuẩn H.P, trực khuẩn lao, trực khuẩn mủ xanh, E.coli, thương hàn, virus viêm gan B, C.... Việc lây nhiễm này có thể nguy hiểm do một số vi khuẩn đã kháng thuốc.

Việt Nam có tỷ lệ nhiễm khuẩn H.P cao. Trong đó, có một số trường hợp tiến triển thành viêm loét dạ dày và ung thư dạ dày. Vi khuẩn này sống ở lớp nhầy niêm mạc dạ dày và sản sinh chất urease phá hủy thành niêm mạc, gây viêm loét dạ dày.

Nguy cơ lây nhiễm H.P có thể thông qua đường ăn uống như thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm H.P, không rửa tay khi đi vệ sinh, có thể lây qua con đường trung gian như ruồi, gián do thức ăn không bảo quản, che đậy kỹ hoặc phân người khi không rửa tay sạch hay trong nguồn nước. Tiến sĩ Khanh cho biết, trong quá trình nội soi, nếu dây nội soi không được khử khuẩn và bảo quản đúng quy trình có thể làm lây lan vi khuẩn H.P từ người nhiễm sang người không nhiễm.

Bác sĩ nội soi ống mềm để phát hiện và tầm soát các bệnh lý đường tiêu hóa. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Virus viêm gan B cũng có thể lây khi ống soi không khử khuẩn đúng quy trình. Theo Tiến sĩ Khanh, viêm gan virus B phổ biến ở nước ta, là bệnh lý nguy hiểm do người bệnh thường không biết mình đã nhiễm bệnh. Triệu chứng của bệnh không điển hình. Virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể sẽ khiến chức năng gan suy giảm. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính và không được quản lý bệnh theo phác đồ của bác sĩ, người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan, suy gan cấp, ung thư gan.

Tiến sĩ Khanh chia sẻ thêm, những nguyên nhân gây lây nhiễm qua nội soi bao gồm nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan do bệnh nhân chỉ định nội soi quá tải tại nhiều bệnh viện, trang thiết bị nội soi thiếu. Nguyên nhân chủ quan do các quy trình làm sạch và khử khuẩn bị cắt bớt: không kiểm tra rò rỉ sau mỗi lần thực hiện nội soi, thời gian ngâm khử khuẩn không đủ. Điều này này xảy ra phụ thuộc vào nhận thức của người làm sạch, khử khuẩn dụng cụ cũng như sự giám sát của đơn vị thực hiện.

Theo ghi nhận của Hiệp hội Nội soi tiêu hóa Mỹ, nếu quy trình khử khuẩn đảm bảo an toàn thì tỷ lệ nhiễm trùng do máy nội soi chỉ khoảng một ca cho 1,8 triệu lần làm thủ thuật. Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Khương (Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn) cho biết, kiểm soát nhiễm khuẩn trong nội soi tiêu hóa là yếu tố rất quan trọng quyết định sự an toàn cho người bệnh trong quá trình phát hiện và điều trị bệnh. Chẳng hạn như Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đầu tư hệ thống máy rửa và khử khuẩn ống soi của công ty Olympus Nhật Bản, tủ bảo quản ống soi Hàn Quốc có thể lưu giữ máy nội soi sạch và an toàn trong 72 giờ. Nhân viên y tế tại bệnh viện được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn, thực hiện và triển khai đúng quy trình để người bệnh không lây nhiễm các bệnh trong quá trình nội soi.

Hệ thống máy rửa và khử khuẩn ống soi Nhật Bản tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sau khi sử dụng dây nội soi, nhân viên y tế làm sạch theo quy trình: xử lý tại chỗ, thử rò rỉ của dây soi sau mỗi lần soi để đảm bảo dây soi không bị thủng, làm sạch và cuối cùng đặt dụng cụ vào trong hệ thống máy rửa và khử khuẩn tự động với thời gian 21 phút. Sau khi máy đã khử khuẩn an toàn sẽ được bảo quản trong tủ có hệ thống sấy và tiệt khuẩn tự động. Các bước trong chu kỳ lần lượt được thực hiện. Nhân viên y tế không thể bỏ qua bất kỳ bước quan trọng nào hoặc tự ý rút ngắn quy trình giúp giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm cho bệnh nhân được soi tiếp theo.

* NGUỒN: https://vnexpress.net/nguy-co-lay-nhieu-benh-duong-tieu-hoa-qua-noi-soi-4613926.html

Chia sẻ bài viết:
Nhận ngay tin tức mới nhất từ chúng tôi