Cùng với dịch bệnh tay chân miệng tăng nhanh, TP.HCM còn đối diện dịch bệnh sốt xuất huyết.
Sở Y tế TP.HCM vừa có báo cáo mới nhất về tình hình và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM theo chỉ đạo của UBND TP.
Về bệnh sốt xuất huyết, tính từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 9.790 ca mắc. Hiện các bệnh viện trên địa bàn TP đang điều trị 158 ca, trong đó 106 ca có địa chỉ tại TP.
Trong số 158 ca đang điều trị tại bệnh viện, có 69 ca là người lớn (có 2 phụ nữ mang thai), 89 ca trẻ em. Trong đó có 13 ca bệnh nặng, 8 ca thở máy xâm lấn, 2 ca lọc máu. Chưa có ca nào ở TP.HCM tử vong vì sốt xuất huyết.
Đối với bệnh tay chân miệng, tổng số ca cộng dồn từ đầu năm đến nay tại TP là 13.173 ca. Hiện các bệnh viện đang điều trị 477 ca, trong đó có 476 ca mắc có độ tuổi dưới 6 tuổi (chiếm 99,7%). Còn ca bệnh nặng là 36 ca, trong đó có 7 ca có địa chỉ tại TP.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ngày 31-7, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc bệnh viện - cho biết vừa cứu sống trẻ V.M.Q. (5 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) bị sốc sốt xuất huyết nặng, trên cơ địa béo phì (11kg, ở tuổi này trẻ khoảng 6-7kg).
Bé nhập viện trong tình trạng sốc, da nổi bông. Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ bị sốt cao liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ 4, trẻ bớt sốt, ói ra dịch lợn cợn nâu, bụng chướng, nổi chấm xuất huyết trên da nên người nhà đưa trẻ đến bệnh viện địa phương.
Tại đây, ghi nhận trẻ bứt rứt, quấy khóc, da nổi bông tím, mạch quay nhẹ, chi mát, huyết áp không đo được, nổi chấm xuất huyết ở chân tay, bụng. Kết quả các xét nghiệm cho thấy trẻ bị cô đặc máu.
Ngay lập trẻ được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng và được điều trị chống sốc theo phác đồ. Nhận thấy cơ địa trẻ dư cân béo phì, đặc biệt rất khó tiếp cận đường truyền, nên các bác sĩ hội chẩn và chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Trẻ được điều trị tích cực, đổi sang dung dịch cao phân tử dextran dựa theo cân nặng điều chỉnh để chống sốc. Diễn tiến bệnh trẻ rất phức tạp, sốc kéo dài, suy hô hấp, tổn thương gan, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết tiêu hóa, bầm vết chích, toan chuyển hóa, hạ đường huyết.
Đến ngày thứ 7 của bệnh, trẻ vẫn còn sốt cao, xét nghiệm máu thấy phản ứng viêm tăng cao nên được sử dụng thêm thuốc điều hòa miễn dịch. Sau gần 2 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, hết sốt, được cai thở oxy, bú khá.
"Đây là trường hợp sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng rối loạn đông máu, tổn thương các cơ quan ở trẻ nhũ nhi có cơ địa dư cân, nên gây khó khăn khi ra quyết định điều trị thích hợp, tiếp cận tĩnh mạch để thiết lập đường truyền và lấy mẫu máu xét nghiệm", bác sĩ Tiến chia sẻ.
Nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu gồm quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống... phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế tiếp tục thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.