Nguy cơ mù lòa do mắc zona ở mắt

Được đăng ngày 20 Tháng 11 2023

Hơn 2 tuần sau khi các mụn rộp trên da bắt đầu lặn dần vì bị zona, người phụ nữ 50 tuổi lại thấy xuất hiện nhiều mụn rộp tương tự trên mí mắt kèm giảm thị lực.

Khám chuyên sâu tại bệnh viện, bà được chẩn đoán bị zona thần kinh ở mắt, cần phải điều trị để tránh ảnh hưởng thị lực. Ths.Bs Mai Thị Anh Thư, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cho biết bệnh zona ở mắt do virus Herpes Zoster gây ra, hình thành các phát ban sau đó phát triển thành mụn nước giống như bị bỏng, mọc rải rác hoặc thành dải xung quanh mắt, mi mắt.

Khi bị zona, người bệnh có thể xuất hiện các mụn nước nhỏ ở nhiều vị trí khác nhau trên một bên nửa cơ thể như vùng da mặt, cổ, lưng... Tùy tình trạng của người bệnh khi đi khám, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị kịp thời.

Bệnh zona thần kinh có thể kéo dài từ 2 đến 6 tuần hoặc lâu hơn nếu không được điều trị sớm, đúng và đủ. Thời gian đầu các mụn nước sẽ khiến cho người bệnh khó chịu và đau rát, sau đó vỡ dần, đóng vảy và lành lại.

Khi người bệnh bị zona ở vùng da quanh mắt, virus có thể tấn công các cấu trúc của nhãn cầu, thường gặp nhất là tổn thương trên giác mạc. Người bệnh có cảm giác bị mỏi mắt, đau rát hoặc đau nhói ở mắt, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng, giảm thị lực.

Giống như các bệnh khác do virus gây ra, virus gây zona thần kinh có thể tấn công vào những người có hệ miễn dịch yếu như người già; người đã bị thủy đậu khi còn bé hoặc một số nhóm bệnh về máu, tiểu đường, ung thư, viêm màng não, stress kéo dài...

"Zona thần kinh là một bệnh có thể điều trị khỏi nhưng nếu để muộn không được chữa kịp thời có thể gây biến chứng rất lâu dài cho người bệnh", bác sĩ Thư nói, thêm rằng đối với zona ở mắt có thể gây viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào dẫn đến giảm hoặc mất thị lực.

Một bệnh nhân khám mắt tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Vì vậy, bác sĩ Thư khuyến cáo điều trị bệnh zona ở mắt sớm sẽ giúp người bệnh tránh được các biến chứng nguy hiểm ở mắt, nặng nhất là mù lòa. Khi bị bệnh zona, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc gần với bất kỳ ai, nhất là khi người bệnh đang có mụn nước trên da - là thời điểm virus gây bệnh có khả năng lây nhiễm mạnh nhất.

Trong vòng 1-2 tuần đầu, các mụn rộp đỏ có thể ngứa, đau và khó chịu nhưng người bệnh không nên chạm, gãi mạnh làm trầy xước, vỡ mụn nước khiến virus gây bệnh lan rộng ra các vùng da xung quanh. Đặc biệt, tuyệt đối không tiếp xúc với trẻ em, người già, thai phụ hoặc những người đang có sức đề kháng yếu.

"Khi bị zona thần kinh ở mắt người bệnh không nên quá lo lắng, chỉ cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến thị lực", bà Thư nói. Đồng thời, người bệnh cần theo dõi định kỳ trong vòng 3-12 tháng để kiểm tra thị lực, nhãn áp, giác mạc sau đợt viêm do zona. Người trên 50 tuổi có thể phòng ngừa zona mắt bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh.

NGUỒN: https://vnexpress.net/nguy-co-mu-loa-do-mac-zona-o-mat-4678638.html

Chia sẻ bài viết:
Nhận ngay tin tức mới nhất từ chúng tôi