Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận ca ho gà là bệnh nhi 6 tuần tuổi. Ban đầu, bé được chẩn đoán mắc viêm phế quản nhưng uống thuốc không thuyên giảm, càng ho nhiều về đêm, cơn ho kéo dài đến 10 phút. Nhập viện lần hai, bệnh nhi được xét nghiệm PCR dương tính với vi khuẩn ho gà. Đáng chú ý, theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 31 ca mắc ho gà trong khi năm 2022 chỉ ghi nhận 2 ca.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hơn 90% số ca mắc ho gà các năm gần đây là trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ các mũi cơ bản. Kết quả giám sát năm 2015 cho thấy có 88,4% số ca mắc bệnh không được tiêm vaccine. 6,6% số ca bệnh chỉ được tiêm 1 mũi, không đủ phác đồ.
Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết ho gà có đặc trưng là các cơn ho dữ dội và gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao ở trẻ dưới 1 tuổi. Ở giai đoạn khởi phát, trẻ thường ho rũ rượi với 15-20 cơn ho liên tiếp và có tiếng rít vào nghe như tiếng gà. Càng ho, trẻ càng mất sức, mặt tím tái, mắt đỏ và có thể ngừng thở vì ho quá nhiều.
Viêm phế quản, ho kéo dài, ngừng thở là các biến chứng dễ gặp nhất. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể gặp lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp bệnh nặng có thể bị vỡ phế nang, tràn khí màng phổi, viêm não dẫn đến tử vong.
Con người là ổ chứa vi khuẩn duy nhất. 80% người tiếp xúc trong hộ gia đình có khả năng lây bệnh cho nhau. Ho gà lây mạnh nhất trong 2 tuần đầu sau khi phát bệnh. Một người mắc ho gà có thể lây cho 12-17 người, dễ bùng phát thành dịch. Bệnh lây qua đường hô hấp, tiếp xúc gần hoặc chạm vào các đồ vật chứa chất tiết đường hô hấp của người bệnh.
Bệnh không chỉ xảy ra ở trẻ em, người lớn cũng có thể mắc ho gà và trở thành nguồn lây cho trẻ. Y văn từng ghi nhận trường hợp người trưởng thành nhiễm bệnh, ho đến gãy xương sườn. Người trưởng thành mắc ho gà có thể không biểu hiện hoặc ho nhưng không có tiếng rít đặc trưng như trẻ nhỏ và ho có thể kéo dài nhiều tháng. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh có thể phát tán lan rộng trong cộng đồng.
Các chuyên gia cảnh báo trong bối cảnh nhiều nơi hết vaccine tiêm chủng mở rộng (TCMR) như hiện nay, ngoài ho gà, nhiều dịch bệnh khác cũng có thể bùng phát trở lại như sởi, bạch hầu… Bên cạnh đó, nhiều dịch bệnh như cúm, Covid, virus hợp bào hô hấp RSV, adeno virus… gây viêm đường hô hấp cũng đang diễn biến phức tạp. Trẻ em dưới 1 tuổi có hệ miễn dịch non yếu là đối tượng dễ mắc bệnh và ảnh hưởng, nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều loại vaccine đầu đời cần được tiêm sớm, ngay khi đến tuổi tiêm chủng để bảo vệ tối ưu cho trẻ, tránh nguy cơ bệnh chồng bệnh.
Hiện phần lớn bệnh nguy hiểm cho trẻ nhỏ như cúm, bạch hầu, sởi, phế cầu gây viêm phổi, viêm tai giữa và viêm màng não, rotavirus gây tiêu chảy cấp… đã có vaccine phòng ngừa.
Mỗi loại vaccine đều có giới hạn tuổi tiêm khác nhau, phụ huynh nên lưu ý để không bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh cho con. Chẳng hạn, trẻ cần phải tiêm các loại vaccine phối hợp 5 trong 1, 6 trong 1 trước 2 tuổi, vaccine phòng Rotavirus cần tiêm trước 8 tháng tuổi, nếu vì lý do gì đó phải hoãn chủng ngừa thì trẻ sẽ không thể chích bù khi quá tuổi.
Vaccine có thành phần ho gà được chỉ định tiêm sớm cho trẻ từ 6 tuần tuổi, phổ biến trong chương trình TCMR lẫn các trung tâm tiêm chủng dịch vụ như tại VNVC. Người dân có thể tiêm vaccine dịch vụ thay thế cho trẻ khi chương trình TCMR hết vaccine. Vaccine 6 trong 1 có thành phần ngừa bại liệt và thành phần ho gà vô bào nên ít gây sốt, đau tại nơi tiêm cho trẻ và trẻ không cần phải uống thêm vaccine bại liệt.
Bên cạnh đó, để bảo vệ trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng, mẹ bầu, người lớn và những người trong gia đình cũng cần tiêm vaccine để tạo kháng thể phòng bệnh cho bản thân, thai nhi và trẻ sơ sinh. Hiện có nhiều loại vaccine phòng nhiều bệnh trong một mũi tiêm và thời gian tiêm nhắc dài, hoàn toàn thuận lợi cho người tiêm. Vaccine phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván chỉ cần tiêm nhắc 10 năm một lần. Vaccine cúm chỉ cần tiêm nhắc mỗi năm một lần. Vaccine phế cầu 13 chỉ cần tiêm một mũi duy nhất cho người từ 2 tuổi trở lên.
Theo một nghiên cứu vừa công bố vào tháng 5/2023 trên chuyên trang ScienceDirect, mẹ bầu tiêm ngừa vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván, đặc biệt là ở tuần thai thứ 27-36 mang lại khả năng bảo vệ khỏi bệnh ho gà trên 90% ở trẻ nhỏ.
Bác sĩ Phong cũng lưu ý thêm, bên cạnh tiêm phòng vaccine cho trẻ em và người lớn, mọi người cần kết hợp các biện pháp vệ sinh cá nhân để giảm mắc bệnh như không tiếp xúc gần với người mắc bệnh và nghi nhiễm; đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đến nơi đông người; vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn; giữ vệ sinh môi trường nhà ở và xung quanh thông thoáng, sạch sẽ.
Nhằm cập nhật các thông tin khoa học mới nhất về vaccine quan trọng cho trẻ, 20h ngày 8/12/2023, Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình tư vấn trực tuyến "Các loại vaccine quan trọng đầu đời trẻ không thể bỏ qua".
Chương trình có các chuyên gia: TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh; BS Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC.
Độc giả quan tâm đặt câu hỏi cho các chuyên gia trong chương trình tại đây.
Chương trình được phát sóng trên ứng dụng VTVGo của Đài Truyền hình Việt Nam và các fanpage: Trung tâm Tin tức VTV24, VTV8 - Tin nóng miền Trung, VNVC - Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn và nhiều kênh thông tấn báo chí khác.
Hiện gần 150 trung tâm tiêm chủng VNVC đã có mặt tại gần 50 tỉnh thành trên cả nước, sẵn sàng các loại vaccine phòng bệnh cho trẻ em và người lớn, bao gồm các vaccine đầu đời cho trẻ. VNVC hiện đang có đầy đủ các vaccine có công dụng giống với các vaccine trong chương trình TCMR như vaccine 5 trong 1 ngừa cùng lúc 5 bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - Hib; vaccine 6 trong 1 chủng ngừa 5 bệnh trên và viêm gan B.
VNVC cũng đang áp dụng nhiều chương trình ưu đãi giá và hỗ trợ cộng đồng như miễn phí đo huyết áp cho tất cả người dân, miễn phí vaccine lao cho trẻ sơ sinh, chương trình "tiêm vaccine trước trả tiền sau" không lãi suất.