- Một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất, được biết đến từ lâu nhưng chưa có thuốc đặc trị, chưa có vắc-xin thực sự hiệu quả đang có xu hướng bùng phát mạnh khắp thế giới do biến đổi khí hậu.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về sự bùng phát rất nhanh của các bệnh do nhóm arbovirus là sốt xuất huyết, zika, chikungunya, đều có vật chủ trung gian là muỗi.
Trong đó, bệnh sốt xuất huyết do virus dengue (tức bệnh sốt xuất huyết thông thường, phổ biến nhất) được cảnh báo cao nhất. "Khoảng một nửa dân số thế giới hiện đang có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết với ước tính khoảng 100–400 triệu ca nhiễm xảy ra mỗi năm" - văn bản Báo Người Lao Động nhận được từ WHO hôm 6-4 cho biết.
Tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết đã gia tăng đáng kể trên khắp thế giới trong những thập kỷ gần đây, với các trường hợp được báo cáo cho WHO đã tăng rất nhanh từ 505.430 vào năm 2000 lên 5,2 triệu vào năm 2019, tức tăng hơn 10 lần chỉ trong vòng 2 thập kỷ.
Theo WHO, điều này là do tác động của biến đổi khí hậu. Lượng mưa cao, nhiệt độ tăng và thậm chí khan hiếm nước tạo điều kiện cho muỗi sinh sản. Ngoài ra, sự gia tăng lưu lượng người và hàng hóa, đô thị hóa song song với nạn phá rừng và các vấn đề nước - vệ sinh môi trường kèm theo cũng thúc đẩy căn bệnh truyền nhiễm này.
Phá rừng và đô thị hóa còn cho phép muỗi thích nghi tốt hơn với môi trường mới và gia tăng nguy cơ lây nhiễm theo vùng địa lý.
Cũng là bệnh do muỗi lan truyền nên zika, chikungunya cũng nằm trong xu thế đó, dù ít phổ biến hơn những không kém phần nguy hiểm, nhất là khi bệnh lan đến các đối tượng nguy cơ.