Nhiều nguy cơ
Gần đây Tổ chức Y tế thế giới đưa ra cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới, tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.
Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, tại Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các loại vaccine cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các loại vaccine trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh bao gồm sởi.
Thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 78 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, trong đó có 12 trường hợp sởi xác định tại phòng thí nghiệm của 4 tỉnh, thành phố và 10 trường hợp rubella tại 7 tỉnh, thành phố; đặc biệt, ghi nhận 1 chùm ca bệnh sởi tập trung tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ở nhóm trẻ dưới 10 tuổi.
Trong 16 ca bệnh sởi tại huyện Đức Thọ hiện đang có 6 ca được điều trị tại Nghệ An từ ngày 18 - 26/3 (5 ca mắc sởi được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, 1 ca điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Vinh). Khai thác thông tin từ người nhà bệnh nhân thì tất cả các bệnh nhân này đều chưa được tiêm phòng vaccine sởi.
Năm 2024 này, ngoài bệnh sởi, Việt Nam đang đứng trước sự tấn công của nhiều loại dịch bệnh khác, đặc biệt là dịch bệnh từ động vật sang người diễn biến phức tạp. Có thể kể đến như: Bệnh dại gia tăng đột biến với 27 ca tử vong từ đầu năm đến nay. Bệnh cúm gia cầm – cúm A/H5N1 sau hơn 8 năm không ghi nhận ca mắc cúm gia cầm trên người, từ năm 2022 đến nay, đã ghi nhận 2 ca mắc mới, trong đó, có 1 ca tử vong do cúm gia cầm vào ngày 23/3/2024 ở tỉnh Khánh Hòa…
Nguy cơ dịch bệnh ở Việt Nam xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau. Ở một số quốc gia láng giềng, thời gian gần đây tiếp tục ghi nhận sự gia tăng ca mắc cúm A/H5N1 trên người: Campuchia (từ tháng 2/2023), Trung Quốc… Trong tháng 3/2024 này, Lào phát hiện 3 người nhiễm bệnh than do ăn thịt động vật nuôi bị chết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin: Ở trong nước, nhiều dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người đã và đang lưu hành và có tác động lớn đến sức khỏe người dân như: bệnh dại, cúm A/H5N1, bệnh liên cầu lợn ở người, bệnh than, bệnh leptospira (bệnh xoắn khuẩn vàng da)… Việc lưu hành đồng thời của các virus cùng với sự tăng cường khả năng thích ứng trên động vật có vú là một yếu tố đáng quan ngại có thể khiến dịch bệnh gia tăng trong thời gian tới.
Tích cực, chủ động phòng, chống
Tại Nghệ An, từ đầu năm đến nay, mặc dù chưa xuất hiện các ca bệnh nguy hiểm như sởi, cúm gia cầm… song ở tỉnh cũng đã có 1 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại tại xã Môn Sơn (Con Cuông). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện một số dịch bệnh xảy ra với số ca mắc tăng cao và nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng là rất lớn.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An: Tính từ đầu năm đến ngày 30/3, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 37 ca mắc bệnh ho gà tại 30 xã, phường, thị trấn thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố Vinh, cụ thể: Nghi Lộc (9 ca), TP. Vinh (6 ca), Đô Lương (4 ca), Yên Thành (3 ca), Thanh Chương (3 ca), Tân Kỳ (2 ca), Hưng Nguyên (2 ca), Nam Đàn (2 ca), Quỳnh Lưu (2 ca), Quế Phong (1 ca), TX.Cửa Lò (1 ca), Diễn Châu (1 ca), TX.Hoàng Mai (1 ca)… không có trường hợp tử vong.
Đồng thời, ghi nhận 50 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, có 34 ca nội tại (Quỳnh Lưu 14 ca, TX.Hoàng Mai 9 ca, Diễn Châu 8 ca, thành phố Vinh 3 ca) và 16 ca ngoại lai (Diễn Châu 5 ca, thị xã Hoàng Mai 3 ca, Quỳnh Lưu 1 ca, Yên Thành 3 ca, Nghi Lộc 2 ca, thành phố Vinh 1 ca và Anh Sơn 1 ca). Ngoài ra, còn có 4.220 trường hợp mắc bệnh cúm, 811 trường mắc bệnh tiêu chảy và 197 trường hợp mắc thủy đậu.
Cũng theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, những năm qua, Nghệ An đã có nguồn bệnh và lưu hành nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong cộng đồng. Mối nguy dịch bệnh xâm nhập, bùng phát càng lớn hơn khi tỉnh nằm ở vị trí địa lý thuận lợi cho việc giao thương đi lại, nên khả năng có nhiều ca bệnh ngoại lai xâm nhập.
Bên cạnh đó, năm 2023, cùng với các địa phương trong cả nước, Nghệ An đã thiếu hụt một số vaccine cơ bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng do khủng hoảng nguồn cung. Việc thiếu hụt này đã làm nhiều trẻ không được tiêm phòng và có miễn dịch chủ động. Đây chính là những nguy cơ dẫn đến việc một số dịch bệnh vốn đã được “dập tắt” trước đây quay trở lại như ho gà, sởi…
Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị liên quan cần tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống dịch bệnh theo nguyên tắc “4 tại chỗ”; không ngừng nâng cao khả năng nhận định, dự báo dịch; xây dựng tốt kịch bản phòng, chống dịch; đẩy mạnh công tác truyền thông về dịch bệnh; tăng cường công tác đào tạo cho cán bộ làm công tác phòng, chống dịch bệnh các tuyến; bố trí đầy đủ kinh phí và sẵn sàng các trang thiết bị, thuốc, hóa chất để ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra.
Phòng, chống dịch bệnh là trách nhiệm của cả cộng đồng. Bản thân mỗi một người dân cũng cần tích cực tham gia chủ động phòng, chống dịch bệnh bằng việc nâng cao kiến thức phòng bệnh, đến ngay cơ sở y tế khi thấy các dấu hiệu bất thường về sức khỏe để được tư vấn, hướng dẫn.
* NGUỒN: https://baonghean.vn/nhieu-nguy-co-bung-phat-dich-benh-tren-dien-rong-post287094.html